Tin tức, Uncategorized
Bệnh ung thư gan
Ung thư gan là một trong các bệnh ung thư có số ca mắc bệnh và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Tùy vào vị trí xuất phát của tế bào ung thư mà bệnh được chia thành ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát.
Người bệnh ung thư gan tức nặng hoặc hơi đau hạ sườn phải, đây là triệu chứng sớm, nhưng ít được chú ý
1. Khái niệm về Ung thư gan
Gan là cơ quan thực hiện các chức năng quan trọng để bảo vệ cơ thể trước độc tố và các chất có hại. Gan tiết ra mật để tiêu hóa chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Gan cũng là nơi dự trữ đường và các dưỡng chất khác đảm bảo sự sống cho cơ thể những lúc không được nạp đủ thức ăn, nước uống. Với chức năng quan trọng như vậy, khi gan bị bệnh sẽ ảnh hưởng nhanh chóng đến toàn bộ cơ thể.
Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018, trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta, trong năm 2018 với 25.335 trường hợp và đặc biệt tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gần tương đương số người mắc bệnh.
Ung thư gan
Ung thư gan là tình trạng các khối u ác tính phát sinh trong gan, dẫn đến việc sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan. Ung thư ở gan có hai loại chính:
⦁ Ung thư gan nguyên phát: hình thành từ chính các tế bào trong gan.
⦁ Ung thư gan thứ phát: phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan như ung thư phổi, ⦁ ung thư đại tràng, ung thư vú…
Với ung thư gan nguyên phát, người ta chia thành 4 loại tuỳ thuộc vào đặc điểm xuất phát của tế bào ung thư: (1) Ung thư biểu mô tế bào gan là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% các trường hợp; (2) Ung thư đường mật hay còn gọi là ung thư ống mật, hình thành từ các ống dẫn mật nhỏ (trong gan hoặc ngoài gan) chiếm khoảng 10 – 20% các trường hợp ung thư gan; (3) U mạch máu gan ác tính là một dạng ung thư hiếm gặp, bắt nguồn từ các mạch máu của gan; và (4) U nguyên bào gan, là loại ung thư gan này rất hiếm gặp; đa số các trường hợp bệnh đều xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Ung thư gan xảy ra khi các tế bào gan có sự thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA của tế bào đảm nhận vai trò hướng dẫn cho mọi quá trình phân chia, tăng trưởng và các phản ứng sinh học trong tế bào. Đột biến DNA gây ra những thay đổi trong quá trình hướng dẫn này. Kết quả là các tế bào bắt đầu phát triển mà không được kiểm soát, cuối cùng hình thành nên khối u – một khối tế bào ung thư.
Đôi khi, khối u ác tính ở gan phát triển từ một bệnh lý, chẳng hạn như viêm gan mạn tính. Trong một số trường hợp, bệnh xảy ra ở những người không có bệnh lý, không có triệu chứng điển hình khiến các bác sĩ cũng không thể xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan bao gồm:
⦁ Nhiễm vi rút mạn tính: Nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) hoặc vi rút viêm gan C (HCV) mạn tính;
Xơ gan: Tình trạng xơ gan tiến triển và không thể phục hồi khiến mô sẹo hình thành trong gan;
⦁ Một số bệnh gan di truyền: Các bệnh về gan có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan bao gồm bệnh ứ sắt trong gan và bệnh Wilson (bệnh rối loạn chuyển hóa đồng).
⦁ Bệnh tiểu đường: Những người mắc chứng rối loạn đường huyết có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn so với người không mắc bệnh.
⦁ Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Sự tích tụ chất béo trong gan là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan.
⦁ Tiếp xúc với aflatoxin: Aflatoxin là chất độc do nấm mốc sinh ra trên cây trồng được bảo quản kém. Cây trồng, chẳng hạn như ngũ cốc và các loại hạt, có thể bị nhiễm độc tố aflatoxin. Kết quả là, các loại thực phẩm làm từ chúng trở thành mầm bệnh nguy hiểm cho gan.
⦁ Lạm dụng rượu, bia quá mức: Tiêu thụ nhiều hơn lượng rượu, bia được cho phép trong nhiều năm có thể dẫn đến tổn thương gan không thể phục hồi, làm tăng nguy cơ ung thư gan.
⦁ Những người có thói quen sinh hoạt không điều độ, không khoa học: thức khuya, hút thuốc, ăn uống vô độ, lười vận động…
Ung thư gan có thể di căn đến nhiều cơ quan khác
3. Triệu chứng của bệnh
3.1. Triệu chứng ung thư gan
Hầu hết mọi người đều không xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư gan nguyên phát. Các dấu hiệu rõ ràng thường đến ở giai đoạn muộn như:
⦁ Giảm cân không rõ nguyên nhân;
⦁ Ăn không ngon miệng;
⦁ Cảm giác nặng, đau tức hoặc tự sờ thấy khối u vùng hạ sườn phải;
⦁ Buồn nôn và nôn;
⦁ Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
⦁ Chướng bụng;
⦁ Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu;
⦁ Sốt.
Hình ảnh gan khoẻ mạnh và bệnh lý
3.2. Các giai đoạn ung thư gan
Giai đoạn ung thư cho biết mức độ tiến triển của khối u trong cơ thể để có cách điều trị tốt nhất. Ung thư gan được chia làm 4 giai đoạn: I, II, III, IV.
– Ung thư gan giai đoạn I: Có một khối u duy nhất trong gan, chưa xâm lấn đến bất kỳ mạch máu nào trong gan.
– Ung thư gan giai đoạn II: Một khối u duy nhất trong gan đã xâm lấn các mạch máu, hoặc nhiều khối u nằm trong gan nhưng có kích thước dưới 5cm.
– Ung thư gan giai đoạn III (được chia thành giai đoạn IIIA và IIIB): Giai đoạn IIIA: Có nhiều khối u trong gan và ít nhất một khối u lớn hơn 5cm; chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan. Giai đoạn IIIB: Có một hoặc nhiều khối u gan, xâm lấn vào một trong những mạch máu chính trong gan (tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan) hoặc xâm lấn vào phúc mạc, chưa có di căn đến hạch hoặc cơ quan khác ngoài gan.
– Ung thư gan giai đoạn IV (được chia thành giai đoạn IVA và IVB): Giai đoạn IVA: Các khối u đã di căn vào các hạch bạch huyết gần gan, nhưng chưa đến những cơ quan ở xa. Giai đoạn IVB: Khối u đã di căn đến các cơ quan ở xa như phổi, xương hoặc não.
4. Chẩn đoán bệnh
Việc chẩn đoán ung thư gan bắt đầu bằng quá trình thăm khám tổng quát và hỏi về tiền sử bệnh. Bác sĩ sẽ luôn lưu ý các trường hợp có tiền sử uống rượu bia và nhiễm vi rút viêm gan B hoặc C mạn tính.
Các xét nghiệm và quy trình chẩn đoán bao gồm:
– Các xét nghiệm chức năng gan như đo nồng độ protein, albumin, men gan và bilirubin trong máu: giúp bác sĩ xác định tình trạng sức khỏe của gan.
– Xét nghiệm máu về các dấu ấn khối u gan: AFP, AFP-L3, PIVKA-II. Nếu kết quả tăng cao, khả năng ung thư gan khá cao.
– Siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng hoặc MRI gan mật: giúp tạo ra hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng. Nhờ vậy, bác sĩ có thể xác định vị trí, kích thước của khối u đang phát triển, từ đó đánh giá xem liệu nó có di căn sang các cơ quan khác hay không.
– Phần lớn các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan có thể được chẩn đoán xác định nếu người bệnh có hình ảnh khối u gan điển hình trên hình ảnh CT hoặc MRI, có tăng chỉ điểm ung thư gan trong máu (AFP), có hoặc không nhiễm viêm gan B/C mà không cần tiến hành sinh thiết u gan.
– Trong một số trường hợp cần thiết, để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết gan. Dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT, bác sĩ sẽ đưa kim qua thành bụng vào khối u gan và lấy mẫu nhỏ của mô gan. Sau đó, mẫu mô gan được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư. Sinh thiết gan cũng có thể được thực hiện bằng cách mổ nội soi ổ bụng. Một ống nhỏ, linh hoạt có gắn camera sẽ được đưa vào ổ bụng qua một vết rạch nhỏ. Camera cho phép bác sĩ quan sát rõ lá gan và tiến hành lấy mẫu mô gan một cách chính xác.
5. Điều trị bệnh
Việc điều trị ung thư gan bằng phương pháp nào sẽ do bác sĩ cân nhắc dựa trên các yếu tố:
– Số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan;
– Chức năng gan;
– Có bị xơ gan hay không;
– Khối u có di căn đến hạch hoặc các cơ quan khác không.
Các phương pháp phổ biến dùng để điều trị ung thư gan bao gồm:
5.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ phần gan có khối u. Phương pháp này thường được thực hiện khi tế bào ung thư chỉ giới hạn trong gan. Theo thời gian, phần mô gan khỏe mạnh còn lại sẽ phì đại lên và thay thế phần bị cắt bỏ.
5.2. Ghép gan
Một phần hoặc toàn bộ lá gan mang khối u gan sẽ được thay thế bằng phần gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Việc cấy ghép chỉ được tiến hành nếu ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác. Sau phẫu thuật, người bệnh cần uống thuốc để phòng chống đào thải.
5.3. Tiêm ethanol vào khối u gan
Đối với phương pháp này, sau khi gây tê cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiêm cồn tuyệt đối (ethanol) vào khối u gan có kích thước nhỏ hơn 3cm dưới hướng dẫn của siêu âm để tiêu diệt các tế bào ung thư.
5.4. Đốt sóng cao tần u gan
Bác sĩ sẽ đưa một kim dẫn sóng cao tần vào khối u gan qua thành bụng dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc trong mổ để đốt các khối u gan có kích thước nhỏ hơn 3cm.
5.5. Nút mạch hóa chất
Đây là phương pháp điều trị phổ biến cho các bệnh nhân ung thư gan. Khối u gan được nuôi bằng động mạch gan. Dưới máy chụp số hóa xóa nền (DSA), bác sĩ đưa một ống thông qua động mạch đùi đến động mạch nuôi khối u gan, bơm hóa chất gắn hạt cầu vào khối u và nút tắc mạch máu này. Các tế bào u bị tiêu diệt do bị cắt nguồn máu tới nuôi và tác động của thuốc hóa chất.
5.6. Nút mạch phóng xạ (còn gọi là xạ trị trong chọn lọc)
Đây là phương pháp bơm trực tiếp các hạt vi cầu phóng xạ Y-90 (Yttrium 90) vào nhánh động mạch nuôi khối u gan. Các hạt vi cầu phóng xạ này gây tắc các vi mạch trong khối u và phát tia bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
5.7. Xạ trị ngoài
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao chiếu vào khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
5.8. Hoá trị/Thuốc điều trị đích/Thuốc miễn dịch
Ở những người bệnh có khối u lớn, xâm lấn mạch máu hoặc di căn xa, các khối u tái phát sau phẫu thuật hoặc thất bại với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị toàn thân bằng thuốc hóa chất truyền tĩnh mạch, thuốc điều trị đích đường uống hoặc đường truyền, thuốc miễn dịch truyền tĩnh mạch. Phương pháp này giúp làm giảm sự phát triển của khối u và di căn.
5.9. Chăm sóc giảm nhẹ
Là các biện pháp can thiệp y tế giúp giảm các biến chứng của bệnh ung thư: giảm đau, truyền đạm nâng cao thể trạng…
6. Phòng bệnh
Tuy không thể ngăn ngừa ung thư gan tuyệt đối, nhưng việc tuân thủ các biện pháp sau sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kể:
6.1. Tiêm vắc xin viêm gan B
Cả trẻ em và người lớn đều nên tiêm vắc xin viêm gan B để phòng bệnh. Trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh. Nếu trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B thì phải tiêm thêm 1 mũi huyết thanh phòng viêm gan B. Sau đó, trẻ cần được tiêm nhắc thêm 3 mũi nữa (trong vòng 1 năm kể từ mũi đầu tiên) để đạt hiệu quả phòng ngừa tối ưu. Người lớn, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ nhiễm cao (chẳng hạn như những người lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch) cũng cần được chủng ngừa (tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng).
6.2. Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh viêm gan C
Không có thuốc chủng ngừa viêm gan C, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách thực hiện những điều sau:
– Có đời sống tình dục an toàn: Hãy bảo vệ bản thân và bạn tình bằng cách luôn sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ, không quan hệ cùng lúc với nhiều người, không quan hệ (dù có dùng bao cao su) với người đang hoặc nghi ngờ viêm gan hay bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác.
– Không sử dụng ma túy, nhất là các loại ma túy thông qua đường tiêm như heroin hoặc cocaine.
– Thận trọng khi xăm hoặc xỏ khuyên: Hãy đến nơi uy tín nếu bạn có ý định xỏ khuyên hoặc xăm hình. Điều này nhằm đảm bảo kim tiêm được sử dụng là vô trùng tuyệt đối.
6.3. Phòng ngừa xơ gan sẽ hạn chế được ung thư gan
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách:
– Hạn chế uống rượu: Phụ nữ không nên uống quá 1 ly rượu mỗi ngày và nam giới không uống nhiều hơn 2 ly/ngày.
– Duy trì cân nặng hợp lý: Tập thể dục 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần; tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng (giảm tinh bột xấu, thức ăn chiên rán, đồ ngọt; tăng cường protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ quả) sẽ giúp bạn giữ được chỉ số cơ thể (BMI) trong giới hạn 19 – 23.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.