Tin tức, Uncategorized
Bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Gần đây, bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn, chiếm tỷ lệ khoảng 12% tổng số ung thư các loại tính chung trên toàn thế giới.
Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất trên toàn thế giới.
1. Khái niệm về bệnh ung thư phổi
Tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Ung thư phổi chiếm ưu thế ở nam giới 50-75 tuổi. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới của vài quốc gia những năm gần đây không gia tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
Tỷ lệ ung thư phổi thay đổi tùy theo vùng địa lý trên thế giới. Các nước châu Phi có tỷ lệ thấp hơn 5%. Tỷ lệ này khoảng 5-10% ở châu Á và Nam Mỹ. Châu Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ ung thư phổi cao nhất 10-15%.
Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá (80%) cộng thêm khoảng 5% do hậu quả của sự tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Mức độ nặng nhẹ của sự tiếp xúc với khói thuốc tùy thuộc vào số năm mà người đó đã hút thuốc, số điếu thuốc hút trong ngày và phần nhựa có trong điếu thuốc. Có 10 đến 13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với một thời kỳ tiềm ẩn từ 30 đến 40 năm tính từ khi bắt đầu hút thuốc cho đến lúc xuất hiện ung thư phổi.
Những công nhân làm ở mỏ phóng xạ uranium, mỏ kền, mỏ crom, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc amiant, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt có nguy cơ mắc ung thư phổi tăng lên.
Ngoài ra, ung thư phổi xảy ra trên những sẹo xơ là vấn đề đã đề cập khá nhiều. Các sẹo xơ thường là do lao, nhồi máu phổi, viêm phổi hoặc bệnh bụi phổi. Cơ chế gây bệnh chưa rõ nhưng người ta cho rằng sự xơ hóa làm tắc nghẽn mạch bạch huyết gây tích tụ các chất sinh ung thư có thể dẫn đến ung thư.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Môi trường không khí ô nhiễm chính là tác nhân hàng đầu gây ra các khối u ác tính.
2.1. Khói thuốc lá
Theo các nghiên cứu, có đến 90% các trường hợp ung thư phổi cấp tính là do hút thuốc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC),
những người hút thuốc lá có khả năng mắc u hô hấp cao gấp 15 – 30 lần so với những ai không hút. Ngay cả khi không hút thuốc, nguy cơ u hô hấp cũng sẽ tăng lên nếu tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên (hút thuốc thụ động).
Khi khói thuốc lá vào cơ thể sẽ bắt đầu làm tổn thương mô phổi. Phổi có thể sửa chữa những tổn thương này, nhưng việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần khiến nó mất đi khả năng tự chữa lành tổn thương.
Một khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính ở đường hô hấp. Đây là lý do ung thư ở phổi tế bào nhỏ hầu như luôn liên quan đến việc hút thuốc nhiều. Chỉ khi ngừng hút thuốc mới giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.
Thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi
2.2. Tiếp xúc với Radon
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, nguyên nhân thứ hai dẫn đến khối u ở vùng phổi là người bệnh tiếp xúc với radon, một loại khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên. Radon xâm nhập vào các tòa nhà thông qua những vết nứt nhỏ trên nền móng. Những người vừa hút thuốc lá vừa tiếp xúc với khí radon có nguy cơ bị ung thư phổi rất cao.
2.3. Hấp thụ các khí độc hại
Việc hít thở các chất độc hại khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguy cơ mắc khối u ác tính của sẽ tăng gấp 7 lần nếu hiện tượng phổi bị xơ hóa tiến triển. Một số chất được coi là tác nhân gây bệnh bao gồm silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium…
2.4. Biến đổi trong gen di truyền
Các đột biến gen di truyền cũng làm tăng nguy cơ u ác tính. Nguy cơ này tăng lên nếu người mắc bệnh là người nghiện thuốc lá hoặc tiếp xúc với các chất gây u ác tính khác.
2.5. Quá trình xạ trị
Nếu đã trải qua quá trình xạ trị vùng ngực vì một loại ung thư khác, khả năng phát triển thành u ác tính ở hệ hô hấp có thể xảy ra.
3. Triệu chứng của Ung thư phổi
Việc phát hiện các triệu chứng của bệnh ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp làm tăng cơ hội sống sót cho người bệnh. Dấu hiệu ung thư phổi bao gồm:
3.1. Ho kéo dài
Ho có thể là do bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, thường hết sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên nếu ho kéo dài lâu ngày không khỏi thì không loại trừ khả năng người đó mắc ung thư phổi. Cần đi kiểm tra phổi càng sớm càng tốt bằng cách chụp X-quang kết hợp với những xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây ho.
3.2. Đau tức ngực
Ngoài triệu chứng đau ở vùng ngực, bệnh nhân còn có thể bị đau ở lưng hoặc vai, đau liên tục, âm ỉ hoặc thỉnh thoảng mới đau. diễn ra trong một vùng nào đó hay lan tỏa trên toàn bộ khoang ngực. Đau ngực trong ung thư phổi có thể là do khối u xâm lấn rộng hoặc đã di căn hạch gây chèn ép các cơ quan trong khoang ngực.
Ho kéo dài và đau tức ngực là hai triệu chứng điển hình của ung thư phổi
3.3. Khàn tiếng
Ung thư phổi có thể làm thay đổi giọng nói của người bệnh, giọng của họ trở nên trầm hoặc khàn hơn so với trước đó. Đôi khi khàn tiếng cũng là dấu hiệu của một đợt cảm lạnh thông thường nhưng sẽ dần biến mất sau thời gian ngắn. Nếu khàn tiếng trên 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo bất thường. Trong ung thư phổi, nguyên nhân khàn tiếng là do khối u ác tính đã chèn vào dây thần kinh thanh quản quặt ngược, làm biến đổi giọng nói của người bệnh.
3.4. Ho ra máu
Người bị ho mạn tính (nhất là ở người hút thuốc lá) xuất hiện dấu hiệu ho dai dẳng hơn, ho ra nhiều chất nhầy và ho ra máu thì rất có thể đây là một trong số các dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi.
3.5. Thở khò khè
Phần lớn những trường hợp bị thở khò khè đều là những trường hợp lành tính do viêm hoặc tắc nghẽn đường thở và không khó để điều trị. Nhưng khi có khối u cũng gây phản ứng viêm, tắc từ đó có thể khiến người bệnh thở khò khè.
3.6. Khó thở
Phổi có khối u có thể làm giảm thể tích thông khí dẫn đến khó thở. Nếu cảm thấy khó thở bất thường, nhất là sau khi leo cầu thang hoặc làm những công việc mà trước đây thực hiện rất dễ dàng thì hãy coi chừng về căn bệnh nguy hiểm này.
3.7. Sút cân không rõ nguyên nhân
Nếu cân nặng giảm sút nhiều (4 – 5kg trở lên trong 1-2 tháng) mà không rõ nguyên nhân thì đó chính là lúc ta cần đi khám để loại trừ. Các tế bào ung thư cần nhiều năng lượng để phát triển nên chúng đã “mượn” từ chính các nguồn dự trữ trong cơ thể khiến chúng ta bị tụt cân mà không rõ lý do.
3.8. Đau đầu
Khi khối u phổi chèn ép gây áp lực lên tĩnh mạch chủ trên thì sẽ gây ra hiện tượng đau nhức đầu khó chịu. Đây là tĩnh mạch lớn vận chuyển máu từ phần trên của cơ thể về tim, nay bị tắc lại, khiến máu ứ lại, sức ép sẽ khiến người bệnh đau đầu, nặng hơn là đau nửa đầu thường xuyên. Ngoài ra, triệu chứng này cũng là một dấu hiệu cảnh báo các tế bào ung thư phổi đã di căn lên não.
3.9. Đau mỏi cơ
Khối u ở phổi to dần sẽ chiếm chèn vào những dây thần kinh ở vị trí lưng, ngực, vai, bụng và tay dẫn đến tình trạng đau nhức. Ngoài ra, nó chèn cả vào tĩnh mạch dẫn tới viêm phù, sưng nề.
3.10. Đau tay, vai và ngón tay
U đỉnh phổi: sẽ có hiện tượng xâm lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay, gây đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da (hội chứng Pancoast). Khi ung thư xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, hội chứng Horner xuất hiện với triệu chứng sụp mi cùng bên tổn thương (sa mí mắt), đồng tử co lại, lõm mắt (mắt thụt vào trong hốc mắt) và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương.
3.11. Vú to bất thường ở nam giới
Do các tế bào ung thư kích thích tiết nội tiết tố một cách bất thường, khiến ngực của người nam giới phát triển như ở nữ giới.
3.12. Các triệu chứng khác
Những dấu hiệu tiền ung thư gặp khoảng 10% bệnh nhân ung thư phổi: ví dụ như hiện tượng ngón tay hình dùi trống, rối loạn đông máu, các biểu hiện của da, thần kinh, nội tiết, thận và hệ cơ. Các dấu hiệu ung thư phổi kể trên thường không đặc hiệu, khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Do đó không ít người bỏ qua và qua đó bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị triệt căn ung thư phổi. Người bệnh thường đến viện ở giai đoạn nặng, khi khối u ác tính đã lan sang những cơ quan khác thì mới phát hiện ra những bất thường. Khi đó, việc điều trị không đem lại hiệu quả cao. Bởi vậy, việc tầm soát ung thư định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong, ít nhất 1 – 2 lần/năm để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt với những người nguy cơ cao.
4. Biến chứng của bệnh u phổi ác tính
Ung thư ở đường hô hấp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
4.1. Khó thở
Những bệnh nhân u phổi sẽ bị khó thở nếu tế bào ác tính phát triển làm tắc nghẽn các đường hô hấp chính. Ung thư phổi cũng khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi, làm cơ quan này khó giãn nở hoàn toàn khi hít vào.
4.2. Ho ra máu
Bệnh có thể gây chảy máu trong đường hô hấp, khiến bệnh nhân gặp tình trạng ho ra máu.
4.3. Tràn dịch màng phổi
Hiện tượng này được lý giải là do chất lỏng tích tụ quá mức trong khoang màng phổi, tràn ra cả không gian bao quanh phổi. Hệ quả là đôi lúc bệnh nhân cảm thấy khó thở.
4.4. Di căn
Khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não và xương, khiến những bộ phận này bị tổn thương nặng nề, gây ra những cơn đau đớn, buồn nôn cùng các triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Một khi khối u này đã lan ra ngoài phổi, bệnh thường không thể chữa khỏi. Mọi phương pháp điều trị chỉ nhằm làm giảm các triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
5. Chẩn đoán bệnh
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng ung thư đường hô hấp, bệnh nhân cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, sau đó chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng sau:
5.1. Chẩn đoán hình ảnh:
Một khối u bất thường có thể được nhìn thấy thông qua phim chụp X-quang, MRI, CT và PET.
5.2. Xét nghiệm đờm:
Nếu xuất hiện triệu chứng ho có đờm, sẽ tiến hành kiểm tra đờm bằng kính hiển vi. Đây là một trong những phương pháp xác định có tế bào ung thư trong đó hay không.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết nhằm kiểm tra xem khối u ở vị trí này là lành hay ác tính. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô bằng một trong những cách sau:
5.3. Nội soi phế quản:
Một ống soi mềm được đưa qua mũi hoặc miệng, đi qua cổ họng và vào phổi.
5.4. Nội soi trung thất:
Bác sĩ mở một đường nhỏ vào bên trong lồng ngực, sau đó đưa dụng cụ vào để lấy mẫu từ các hạch bạch huyết. Khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân.
5.5. Sinh thiết kim phổi:
Kết quả chẩn đoán hình ảnh là cơ sở để bác sĩ xác định vị trí khối u. Sau đó, một cây kim sinh thiết được đưa qua thành ngực và đến mô phổi có khối u để lấy mẫu.
Sau khi phân tích các mẫu mô, nếu kết quả dương tính với tế bào ung thư, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thêm các kiểm tra khác, chẳng hạn như chụp xương, siêu âm ổ bụng… nhằm xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa, đang ở giai đoạn nào…
6. Điều trị bệnh
Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân ung thư phổi, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư phổi phổ biến:
6.1. Phẫu thuật:
Người bệnh có thể được chỉ định cắt một phần hay một thùy phổi. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể phẫu thuật để cắt hai thùy hoặc cả một bên phổi. Phương pháp phẫu thuật phù hợp với những bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi những khối u còn khu trú, chưa có biểu hiện di căn vào trung thất hay sang phổi đối diện hoặc di căn xa.
6.2. Xạ trị:
Khi áp dụng phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng các tia bức xạ ion hóa với năng lượng cao để tác động lên tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Có thể kết hợp phẫu thuật với xạ trị để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
6.3. Hóa chất:
Đây là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt và loại bỏ những tế bào ung thư phổi. Trong một số trường hợp cần thiết, người bệnh cần được truyền hóa chất trước khi phẫu thuật.
6.4. Điều trị thuốc nhắm đích:
Là phương pháp chỉ tác động đến tế bào ung thư, không tác động xấu đến các tế bào lành.
– Các trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ:
+ Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật trước, sau đó thực hiện điều trị hóa chất, xạ trị để loại bỏ triệt để các tế bào ung thư.
+ Đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì các bác sĩ có thể chỉ định điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau như xạ trị, hóa trị, cải thiện triệu chứng.
– Với ung thư phổi loại tế bào nhỏ:
+ Giai đoạn sớm: Người bệnh thường được điều trị bằng phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị.
+ Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, người bệnh được áp dụng điều trị bằng phương pháp hóa trị đơn thuần. Một số ít trường hợp xảy ra tình trạng khối u chèn ép trong lồng ngực gây đau nhức, di căn não thì cần được áp dụng phương pháp xạ trị.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kết hợp điều trị theo triệu chứng, chẳng hạn người bệnh bị khó thở nghiêm trọng do khoang màng phổi bị tụ dịch thì cần được dẫn lưu dịch ra ngoài để giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng.
Sau khi đã kết thúc liệu trình điều trị, bệnh nhân cần đi khám định kỳ 3 tháng/lần trong vòng hai năm đầu. Trong những năm tiếp theo cần khám 6 tháng/lần. Trong quá trình thăm khám bệnh nhân thường được chỉ định một số phương pháp như khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp X-quang ngực, chụp CT lồng ngực, siêu âm ổ bụng. Nếu cơ thể có những dấu hiệu bất thường, nên đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời.
7. Phòng bệnh
Không có cách nào để ngăn ngừa ung thư phổi tuyệt đối, nhưng có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện:
7.1. Tránh xa thuốc lá:
Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng thử. Nếu đã hút thuốc trong nhiều năm, hãy ngừng ngay. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách vận động người thân không hút thuốc, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và tránh đến các khu vực có nhiều người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar, nhà hàng, quán cà-phê…
7.2. Kiểm tra mức độ radon trong nhà:
Đảm bảo nó luôn ở ngưỡng an toàn.
7.3. Tránh các chất gây khối u tại nơi làm việc:
Nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ác tính ở phổi, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ…
7.4. Có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả:
Việc tuân thủ thực đơn đa dạng các loại rau củ quả, hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh u phổi cấp tính.
7.5. Tập thể dục đều đặn:
Nguy cơ mắc bệnh cùng nhiều loại u độc khác sẽ giảm khi vận động thường xuyên. Hãy cố gắng tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, với bất kỳ hình thức nào: đi bộ, đạp xe, yoga, nhảy dây, bơi lội…
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.