Tin tức
Bệnh ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hoá, bệnh gặp cả nam và nữ. Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì có thể khỏi hoàn toàn.
Bệnh ung thư đại trực tràng là một bệnh ung thư tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
1. Khái niệm về bệnh ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn), sau đây gọi chung là ung thư đại trực tràng. Đây là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hoá, bệnh gặp cả ở cả nam và nữ.
Hầu hết ung thư đại tràng đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đại trực tràng gọi là polyp. Một số dạng polyp có thể tiến triển thành ung thư sau nhiều năm. Khả năng tiến triển thành ung thư tùy thuộc vào từng loại polyp. Có hai loại polyp chính là:
- Polyp tuyến (u tuyến): loại polyp này đôi khi phát triển thành ung thư. Vì lý do này nên u tuyến còn được gọi là tình trạng tiền ung thư;
- Polyp tăng sản và polyp viêm: loại polyp này phổ biến hơn nhưng thường không phải là tình trạng tiền ung thư.
Chứng loạn sản là một dạng tiền ung thư khác mà bản thân polyp hoặc niêm mạc của đại trực tràng có các tế bào bất thường (nhưng không giống tế bào ung thư).
Bệnh ung thư đại trực tràng
2. Những người có nguy cơ bị bệnh
Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng:
- Những người trên 50 tuổi tuổi: có đến 90% bệnh nhân ung thư đại trực tràng gặp ở người trên 50 tuổi;
- Tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp;
- Người tiếp xúc với chất gây ung thư trong môi trường hoặc thói quen ăn uống hay lối sống;
- Đàn ông nhiều nguy cơ bị bệnh hơn so với phụ nữ;
- Người mắc bệnh viêm ruộthoặc viêm loét đại tràng;
- Người mắc bệnh tiểu đường.
Đau quặn bụng từng cơn là triệu chứng cảnh báo ung thư đại tràng
- Hút thuốc lá: Đặc biệt là những người đã hút thuốc trong nhiều năm.
- Uống rượu: Nghiên cứu cho thấy một liên kết giữa việc tiêu thụ rượu (ngay cả khi tiêu thụ ở mức trung bình) và một số loại ung thư vú, đại tràng và trực tràng, thực quản, thanh quản, gan, miệng – họng;
- Bệnh béo phì và thừa cân;
- Không hoạt động thể lực;
- Chế độ ăn giàu thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và ăn ít trái cây, rau;
- Sống và làm việc ở môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên.
3. Triệu chứng của bệnh
Ung thư đại trực tràng có thể không gây ra các triệu chứng ngay lập tức, nhưng nếu có thì sẽ là một trong các triệu chứng sau:
- Thay đổi thói quen đi đại tiện (đi tiêu) như tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày;
- Cảm giác không đi hết phân sau mỗi lần đi đại tiện;
- Đi đại tiện ra máu;
- Phân có lẫn máu hoặc sẫm màu;
- Đau quặn bụng;
- Suy nhược và mệt mỏi;
- Sụt cân không chủ ý.
Ung thư đại tràng thường gây ra tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa. Mặc dù đôi khi máu có thể lẫn trong phân hoặc làm phân sẫm màu, thông thường phân trông vẫn bình thường. Theo thời gian thì tình trạng mất máu có thể tăng và làm cho số lượng hồng cầu giảm (bệnh thiếu máu). Đôi khi dấu hiệu đầu tiên của ung thư đại trực tràng là kết quả xét nghiệm máu cho thấy số lượng hồng cầu thấp.
Phần lớn các vấn đề này thường do các tình trạng khác chứ không phải do ung thư đại trực tràng gây ra như nhiễm trùng, bệnh trĩ, hoặc hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp bất kỳ vấn đề gì, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ ngay để tìm nguyên nhân và tiến hành điều trị, nếu cần thiết.
4. Các giai đoạn ung thư đại trực tràng
Giai đoạn ung thư sẽ mô tả mức độ ung thư trong cơ thể. Giai đoạn ung thư là một trong các yếu tố quan trọng nhất để quyết định hướng điều trị ung thư và xác định mức độ thành công của phương pháp điều trị. Đối với ung thư đại trực tràng, các giai đoạn sẽ dựa vào tình trạng:
- Ung thư đã phát triển sâu vào thành ruột như thế nào;
- Ung thư đã tiếp cận với các cấu trúc lân cận hay chưa;
- Ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các bộ phận xa của cơ thể hay chưa.
Giai đoạn ung thư đại tràng sẽ dựa vào các kết quả thăm khám lâm sàng, sinh thiết và khảo sát hình ảnh (Chụp CT hoặc MRI, chụp X-quang, PET scan, v.v) cũng như kết quả phẫu thuật.
- Nếu giai đoạn ung thư dựa vào các kết quả thăm khám lâm sàng, sinh thiết và bất kỳ khảo sát hình ảnh nào mà bệnh nhân đã thực hiện thì gọi là giai đoạn lâm sàng.
Nếu bệnh nhân có phẫu thuật, thì sẽ kết hợp kết quả phẫu thuật với các yếu tố được sử dụng trong giai đoạn lâm sàng để xác định giai đoạn bệnh học.
Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng
5. Chẩn đoán bệnh
Thông qua thăm khám lâm sàng tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu trong phân: xét nghiệm này được thực hiện với mục đích định hướng cho nội soi đại trực tràng trong phát hiện sớm tổn thương ung thư đại trực tràng.
- Xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19.9, CA 74, … trong máu để định hướng cho nội soi đại trực tràng.
- Siêu âm ổ bụng: gián tiếp phát hiện các tình trạng như: lồng ruột, tắc ruột, thành đại tràng dày, … do khối u đã lớn gây ra.
- Nội soi đại trực tràng toàn bộ bằng ống mềm kết hợp sinh thiết: đây là phương pháp chẩn đoán xác định có ung thư đại trực tràng không.
- Chụp CT scanner, chụp MRI để phát hiện di căn đến các cơ quan xung quanh.
Theo tiên lượng, ung thư đại trực tràng có thể chữa khỏi khi bệnh lý được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, ngay khi có các dấu hiệu bất thường của bệnh lý, người bệnh nên tới các trung tâm, cơ sở y tế để được chẩn đoán tình trạng bệnh một các nhanh chóng nhất.
Bên cạnh đó, để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, mỗi người nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát ung thư đại trực tràng để kịp thời phát hiện bệnh (nếu có). Đặc biệt là với những người trên 45 tuổi.
6. Điều trị bệnh
Việc điều trị ung thư đại trực tràng phần lớn dựa vào giai đoạn (mức độ) của ung thư, nhưng các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa di căn xa thường được thực hiện phẫu thuật như là phương pháp điều trị đầu tiên.
Khi điều trị ung thư, các bác sĩ ở những chuyên khoa khác có liên quan sẽ làm việc cùng nhau (hội chẩn) để đưa ra một kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh nhân, trong đó thường bao gồm hoặc kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau. Đây gọi là đội ngũ điều trị đa chuyên khoa. Đối với ung thư đại trực tràng, đội ngũ này thường bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội khoa ung bướu, bác sĩ xạ trị và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
6.1. Thủ thuật cắt bỏ polyp
Ung thư đại tràng giai đoạn 0 là khi ung thư chưa tăng trưởng qua lớp niêm mạc bên trong đại tràng hoặc trực tràng. Đối với các loại ung thư này thì phương pháp điều trị thông thường là cắt bỏ polyp trong quá trình nội soi đại tràng. Bệnh nhân không cần thực hiện thêm phẫu thuật trừ khi không thể cắt bỏ polyp hoàn toàn.
6.2. Phẫu thuật
Phẫu thuật là việc cắt bỏ khối u và một số mô lành xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng phổ biến nhất và được gọi là phẫu thuật cắt bỏ.
- Phẫu thuật nội soi: một số bệnh nhân có thể được thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ung thư đại tràng. Với kỹ thuật này, một số dụng cụ nội soi được đưa qua thành bụng sau khi đã gây mê cho bệnh nhân. Vết rạch da sẽ nhỏ hơn và thời gian hồi phục thường nhanh hơn so với phẫu thuật mở kinh điển. Khi cắt bỏ ung thư thì phương pháp này cũng mang lại hiệu quả như phẫu thuật mở kinh điển.
- Thủ thuật mở thông đại tràng điều trị ung thư đại trực tràng: bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng tuy trường hợp này ít gặp. Đây là một phẫu thuật mở thông đại tràng ra ngoài ổ bụng (hậu môn nhân tạo) để đưa chất thải ra khỏi cơ thể; chất thải này sẽ đi vào một túi nhỏ mang trên người bệnh nhân. Đôi khi phẫu thuật này chỉ là phương pháp tạm thời để giúp trực tràng hồi phục, nhưng cũng có thể là vĩnh viễn. Với kỹ thuật phẫu thuật hiện đại và việc áp dụng phương pháp xạ trị cũng như hóa trị trước khi phẫu thuật khi cần thiết, phần lớn bệnh nhân điều trị ung thư đại trực tràng không cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng vĩnh viễn.
6.3. Hóa trị
Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách ngăn chặn khả năng tăng trưởng và phân chia các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị toàn thân sẽ đi vào máu để tiêu diệt các tế bào ung thư khắp cơ thể. Phương pháp hóa trị phổ biến nhất là qua đường truyền tĩnh mạch hoặc qua đường miệng bằng các loại thuốc dạng viên nén hoặc viên nang.
Phác đồ hoặc lịch hóa trị thường bao gồm số lần hóa trị cụ thể trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân có thể dùng một loại thuốc trong một lần hoặc kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc.
Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Đối với một số bệnh nhân ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị và hóa trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước của khối u ở trực tràng và giảm nguy cơ tái phát ung thư.
6.4. Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tia X có năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư.
Đối với ung thư đại trực tràng, phương pháp xạ trị thực hiện trước phẫu thuật gọi là điều trị hỗ trợ, nhằm thu nhỏ khối u để phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu hủy các tế bào ung thư còn sót lại.
7. Phòng bệnh
- Kiểm tra đạ trực tràng thường xuyên;
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế ăn thịt đỏ, thịt đã chế biến sẵn… Thường xuyên bổ sung thêm các vitamin E, C và A…;
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, tránh thừa cân béo phì;
- Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn;
- Luyện tập thể dục thường xuyên;
- Tầm soát ung thư đại trực tràng 6 tháng/lần.
Tác giả bài viết:
TS. Nguyễn Triệu Vân
Bác sĩ cao cấp, cố vấn chuyên môn của Napharco.